• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • Chùa Hoằng Pháp, Chốn Tu Học Thiền Tịnh Ở Sài Gòn

    Klook Vietnam
    Klook Vietnam
    Last updated 22/4/2022
    chua-hoang-phap

    Nguồn ảnh: Unsplash

    Giữa cuộc sống lắm lo toan, nhiều #teamKlook đã lựa chọn Chùa Hoằng Pháp Sài Gòn làm nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng cũng như nâng cao kiến thức về Phật Giáo. Chuyến hành hương đến Chùa Hoằng Pháp ắt hẳn sẽ mang đến cho bạn nhiều khoảnh khắc để chiêm nghiệm.
    Vẫn là một Sài Gòn năng động, náo nhiệt bất kể ngày đêm, nhưng đâu đó tại những ngôi chùa linh thiêng. Mọi tạp âm ồn ã dường như bị đẩy lùi, nhường chỗ cho cảm giác yên tĩnh và trầm lắng. Các ngôi chùa không chỉ là chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh, cầu an, cầu phúc của người dân Sài thành, mà còn sở hữu cảnh quan kiến trúc đặc sắc, thu hút nhiều du khách đến viếng thăm. Chùa Hoằng Pháp chính là một trong những nơi quanh năm nghi ngút khói hương và được nhiều Phật tử lựa chọn để tu học. Hãy cùng Klook tìm hiểu về Chùa Hoằng Pháp, Sài Gòn nhé!

    Giới Thiệu Chùa Hoằng Pháp Sài Gòn

    chua-hoang-phap-hoc-mon-sai-gon
    Nguồn ảnh: phattuvietnam
    Chùa Hoằng Pháp là một ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông, được sáng lập bởi Hòa thượng Ngô Chân Tử vào năm 1957. Chùa Hoằng Pháp không chỉ đẹp về cảnh quan mà nổi tiếng vì đạo hạnh của vị Tổ khai sơn. Cũng nhờ đức độ cao dày của cố Hòa thượng, nhiều Phật tử đã tề tựu về Chùa Hoằng Pháp xin được quy y theo Phật. 
    Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, Chùa Hoằng Pháp trở thành nơi nương tựa, nâng đỡ, bảo trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, và thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ bá tánh. Đặc biệt, Chùa Hoằng Pháp còn được biết là nơi đầu tiên ở Sài Gòn tổ chức khóa tu mùa hè bổ ích cho giới trẻ, kêu gọi hàng nghìn học sinh, sinh viên đến thiền tu mỗi khóa. Nhờ sự hộ trì của Tam Bảo và sự ủng hộ của các Phật tử, Chùa Hoằng Pháp hiện có gần 50 chi nhánh trên khắp cả nước; trong đó, một số cơ sở chi nhánh đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị xây dựng.

    Chùa Hoằng Pháp Ở Đâu?

    • Chùa Hoằng Pháp tọa lạc trên khu đất có diện tích khoảng 6ha, tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm quận 1 khoảng 20km.

    Hướng Dẫn Cách Đi Đến Chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, Sài Gòn

    Chùa Hoằng Pháp nằm khá xa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không khó đi. Bạn có thể thoải mái di chuyển bằng nhiều phương tiện như ô tô, xe máy, hoặc xe buýt.
    Lấy điểm xuất phát là chợ Bến Thành, bạn theo đường Trương Định đi về phía kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rồi tiếp tục đi vào đường Trường Sa. Sau đó, tiếp tục chạy thẳng về hướng đường Cộng Hòa rồi Trường Chinh đến khi qua hầm chui An Sương là vào đường Xuyên Á, tức quốc lộ 22. Đến đây, bạn đi thêm một đoạn nữa là đến địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và hỏi người dân địa phương hoặc tra Google Maps để đến được Chùa Hoằng Pháp.
    Nếu thích đi xe buýt cho tiết kiệm, thì hãy tìm tuyến xe 74, 94, 04, hoặc 14 có những điểm dừng gần Chùa Hoằng Pháp nhất. Ngoài ra, bạn có thể tham quan nhiều địa điểm hấp dẫn ở thành phố Hồ Chí Minh cùng lịch trình xe buýt 2 tầng Hop On Hop Off siêu vui nè.
    Và đừng quên, Klook luôn có dịch vụ cho thuê xe riêng có kèm tài xế, sẵn sàng đưa đón bạn đi qua mọi nẻo đường, đến bất kỳ đâu mà bạn muốn. Bạn chỉ an tâm tận hưởng chuyến đi, chẳng cần lo chuyện đường xá xa xôi nữa.

    Lịch Sử Chùa Hoằng Pháp

    chua-hoang-phap-o-dau
    Nguồn ảnh: Chùa Hoằng Pháp Sài Gòn
    Năm 1957, cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử đã sáng lập Chùa Hoằng Pháp trên một khu rừng chồi. Sau hai năm khai phá, ngôi chùa mới chính thức được xây dựng bằng gạch đinh, hai tầng mái ngói, xoay mặt về hướng Tây Bắc và Hòa thượng Ngộ Chân Tử trở thành vị Trụ trì đầu tiên của chùa.
    Ngoài việc tu hành, tiếp Tăng độ chúng, hoằng truyền Phật pháp, xây dựng ngôi Tam Bảo, Hòa Thượng Ngộ Chân Tử luôn quan tâm những người hoạn nạn; và hình ảnh Chùa Hoằng Pháp như một ngôi nhà sẵn sàng che chở, đùm bọc người kém may mắn.
    Năm 1965, khi chiến tranh tàn phá Đồng Xoài, Thuận Lợi làm nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, Hòa thượng Trụ trì đã đón nhận các gia đình về chùa cưu mang trong thời gian dài, sau đó còn mua đất xây nhà cho họ định cư.
    Năm 1968, vì cảm thương những trẻ thơ mất cha lạc mẹ, nghèo đói, thất học vì chiến tranh, Hòa thượng Trụ trì tiếp tục thành lập viện Dục Anh tại chùa để tiếp nhận các em từ 6 đến 10 tuổi về chăm sóc, nuôi dạy. 
    Nhờ những công việc thiện nguyện đó mà Phật tử từ nhiều nơi hội tụ về chùa ngày một đông hơn. Vì thế, để có đủ chỗ thuyết giảng, năm 1971, Hòa thượng cho xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài đến 28m.
    Vào năm 1974, Hòa thượng đã mua 45 mẫu đất ở xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh với dự định mở làng cô nhi để tiếp nhận trẻ bất hạnh và thành lập đền thờ Hùng Vương. 
    Sau tháng 4/1975, công trình đang thi công dang dở thì Hòa thượng đã hiến số đất đó cho ban quản trị khu kinh tế mới Lê Minh Xuân.
    Cũng vào thời điểm đó, viện Dục Anh giải tán do có nhiều trẻ em được nhân thân đón về. Hòa thượng tiếp tục công việc hạnh nguyện từ bi cứu khổ, nhận nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, gia cảnh khó khăn.
    chua-hoang-phap-sai-gon
    Nguồn ảnh: chuaviettoancau
    Năm 1988, Hòa thượng Ngộ Chân Tử an nhiên thị tịch tại Chùa Hoằng Pháp, và Thượng tọa Thích Chân Tính, đệ tử của Hòa thượng, trở thành Trụ trì Chùa Hoằng Pháp và kế tục sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp của cố Hòa thượng cho đến hôm nay.
    Năm 1995, chùa cho xây lại khu chánh điện sau một thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng.
    Tháng 3/1999 đánh dấu sự kiện Thượng tọa đã kết hợp với Ban đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn tổ chức Khóa tu Phật thất đầu tiên ở Sài Gòn tại Chùa Hoằng Pháp.
    Năm 2005, chùa bắt đầu tổ chức Khóa tu mùa hè thường niên dành cho học sinh và sinh viên.
    Và ngày nay, Chùa Hoằng Pháp được xem là trung tâm tu học Phật Pháp, và cũng là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

    Kiến Trúc Chùa Hoằng Pháp Có Gì Đặc Sắc?

    Sau hơn nửa thế kỷ, Chùa Hoằng Pháp đã trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ. Nhìn chung, kiến trúc Chùa Hoằng Pháp là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc hiện đại và đường nét truyền thống từ các ngôi chùa cổ ở miền Bắc. Vẫn là mái ngói đỏ hai tầng cùng các góc cong vút nhưng Chùa Hoàng Pháp vẫn sở hữu hơi thở nghệ thuật cách điệu hơn so với những sáng tạo đi trước.

    1. Cổng Tam Quan

    khoa-tu-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: tuoitredoisong
    Cổng tam quan Chùa Hoằng Pháp là công trình mới được xây dựng vào năm 1999. Trên cổng chính có đề chữ “Chùa Hoằng Pháp”; còn cổng phụ bên phải là chữ “Trí Tuệ”, bên trái là chữ “Từ Bi”, xen kẽ những câu đối được khắc dọc theo hai cổng phụ bằng chữ quốc ngữ. 
    Đi qua cổng chùa là khoảng sân rộng dẫn vào chánh điện, được trang trí bằng những chậu cây cao lớn, tạo ra không gian mát mẻ, bình yên cho ngôi chùa. Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho các em Gia đình Phật tử đến sinh hoạt dã ngoại và cắm trại.

    2. Chánh Điện

    kien-truc-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: saigongardenhomestay
    Chánh điện hiện nay chính là phần được Thượng tọa Thích Chân Tính cho tái thiết vào năm 1995. Nhìn từ đằng xa, bạn sẽ thấy chánh điện xây dựng theo lối chữ “Công” vô cùng kiên cố. Ngôi điện 2 tầng, 8 mái được nâng đỡ bởi hệ thống cột cái, cột quân vững chắc, hai bên thềm tam cấp đặt cặp sư tử lớn bằng cement màu vàng, giữa lối đi là một đỉnh đồng với họa tiết bắt mắt.
    Đặc biệt, phần nền được lót bằng gạch granite nhập từ Tây Ba Nha; còn toàn bộ cánh cửa, bao lam, án thờ đều làm bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo. Hai bên chánh điện là hai bức phù điêu thần Kim Cang, còn bên trong được bài trí theo thứ tự tiền Phật hậu Tổ.
    Tiền điện tôn trí pho tượng Đức Phật Thích Ca ngự tòa sen trong tư thế thiền định, tiền Phật hậu Tổ. Xung quanh vách tường phía trên là 7 bức phù điêu minh họa cuộc đời Đức Phật từ khi Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn. Hậu Tổ thờ cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sơn Chùa Hoằng Pháp. Trên tường là hai bức phù điêu miêu tả cuộc đời hành đạo của Ngài, hai bên là bàn thờ chư hương linh.

    3. Các Điểm Nhấn Kiến Trúc Đặc Sắc Khác

    khoa-tu-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: chuaviettoancau
    Một trong những công trình nổi bật ở Chùa Hoằng Pháp là tháp Nhị Nghiêm, nơi an trí nhục thân cố Hòa Thượng Ngộ Chân Tử, nằm bên trái chánh điện. Tháp có móng tròn rộng, cao ba bậc, càng lên cao thì vòng càng thu hẹp lại. Đỉnh tháp có chữ “Vạn”, mang ý nghĩa công đức vô lượng, vĩnh hằng cùng vũ trụ.
    Cách đó một khoảng là tháp các vị ni cô quá cố của chùa. Tiếp đến là nhà ăn, song song là dãy nhà dưỡng lão nữ, cuối cùng là nhà trù.
    kien-truc-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: saigongardenhomestay
    Bên phải chánh điện là vườn cây, nổi bật với công trình tòa non bộ rất lớn, chính giữa tôn trí tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch trắng. Đây được xem là công trình non bộ lớn và đẹp nhất trong các chùa tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Sau đó là tháp Phổ Độ, nơi để cốt của bá tánh. 
    Phía sau chánh điện là Tăng đường, cũng dùng để làm giảng đường. Trước tăng đường là hai bãi cỏ với cây me cổ thụ.

    Khóa Tu Mùa Hè Chùa Hoằng Pháp - Trải Nghiệm “Đáng Thử” Cho Giới Trẻ

    kien-truc-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: saigongardenhomestay
    Bạn có thể đến Chùa Hoằng Pháp vào bất cứ lúc nào, để ngắm cảnh, nghe thuyết pháp tìm kiếm sự an nhiên, thanh tịnh trong tâm. Nhưng nếu muốn tu tâm dưỡng tính, giác ngộ tinh thần, cải thiện sức khỏe để có lối sống thanh cao hơn, hãy tham dự các khóa tu thường niên ở Chùa Hoằng Pháp.
    Có khá nhiều khóa tu dành cho nhiều đối tượng khác nhau, nhưng nổi bật nhất là khóa tu mùa hè chùa, vô cùng phù hợp với học sinh, sinh viên. Tại đây, các em sẽ được trải nghiệm tu tập, sinh hoạt tự lập tại chùa. Sau các khóa tu mùa hè, các bạn sẽ có lối sống kỷ luật hơn, tâm tính bình an, bao dung hơn. Khóa tu mùa hè thường diễn ra trong 7 ngày đêm, thường là vào tháng 7 hàng năm, dành cho các bạn từ 17 đến 25 tuổi.

    Chia Sẻ Kinh Nghiệm Du Lịch Chùa Hoằng Pháp

    lich-su-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: donghanhtamlinh
    • Theo kinh nghiệm của #teamKlook, nếu có dịp tham quan Chùa Hoằng Pháp, nhớ tìm đến cây vô ưu, hay còn gọi là sala, để xin lộc cầu may. Đây là loại cây cổ thụ có hoa mọc theo chùm rủ xuống đất, cánh hoa có màu đỏ vô cùng đẹp mắt, được trồng trong rất nhiều đền chùa ở Việt Nam.
    • Sala thường nở đẹp nhất từ tháng 2 đến tháng 5. Càng về đên, hoa sala càng tỏa mùi thơm ngát.
    • Du khách và Phật tử khắp nơi thường kéo nhau về Chùa Hoằng Pháp để cầu nguyện bên dưới cây vô ưu để mong bình an, may mắn cho gia đình. 

    Các Địa Điểm Du Lịch Gần Chùa Hoằng Pháp

    kien-truc-chua-hoang-phap
    Nguồn ảnh: congviendanhat
    Hóc Môn là một trong những khu vực ngoại thành Sài Gòn sở hữu kha khá địa chỉ du lịch hấp dẫn và có nhiều đồ ăn địa phương ngon - bổ - rẻ.
    • Sau khi tham quan Chùa Hoằng Pháp, hãy dành thời gian ghé qua Công viên đá Nhật Bản RinRin Park, một không gian sân vườn Nhật Bản với hồ cá koi và hàng trăm cây bonsai cổ thụ tuyệt đẹp. 
    • Bên cạnh đó, Cánh đồng hoa Nhị Bình tọa lạc ven sông Sài Gòn cũng sẽ là điểm check-in đầy sắc màu từ muôn loài hoa nổi bật trên nền trời xanh. 
    • Nếu yêu thích khung cảnh làng quê Nam bộ bình dị, đến ngay Khu du lịch sinh thái Villa H2O để được hòa mình vào thiên nhiên cùng nhiều hoạt động giải trí, thư giãn, ăn uống vô cùng hấp dẫn nè.
    • Và tất nhiên, với danh sách các hoạt động thú vị ở Sài Gòn do Klook Vietnam tổng hợp ngay bên dưới đây, bạn sẽ phải “đi mỏi chân” mới hết những điểm vui chơi ở Sài Gòn.

    Các Nhà Nghỉ & Khách Sạn Gần Chùa Hoằng Pháp

    Để chuyến khám phá Chùa Hoằng Pháp trở nên trọn vẹn, bạn hãy chọn cho mình một điểm lưu trú thuận tiện với giá cả vừa phải. Với hệ thống đặt phòng của Klook và một loạt mã giảm giá Klook “xịn xò”, bạn lo gì mà không tìm được một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh hay homestay Sài Gòn vừa ý phải không nào.

    1. California Hotel Hóc Môn

    • Địa chỉ: 45 đường Nhà Vuông, phường Trung Chánh, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giá tham khảo: từ 384.000đ/đêm

    2. RedDoorz Tô Ký

    • Địa chỉ: 330 đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giá tham khảo: từ 308.000đ/đêm

    3. Khang Bảo Viên

    • Địa chỉ: 36 đường Võ Thị Nhúa, phường Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giá tham khảo: từ 266.000đ/đêm

    4. Saigon Garden Homestay  

    • Địa chỉ: Tam Nông Farm, tổ 33, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giá tham khảo: từ 600.000đ/đêm

    5. Hoang Anh Star Hotel

    • Địa chỉ: 31/3 đường Song Hành, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giá tham khảo: từ 342.000đ/đêm
    Bên cạnh Chùa Hoằng Pháp, Chùa Giác LâmChùa Ngọc HoàngChùa Vĩnh Nghiêm hay Chùa Bà Thiên Hậu cũng là những địa điểm tôn giáo sở hữu vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Sài Gòn. Vào những buổi tối trời mát mẻ, hãy rủ “cạ cứng” đi dạo hóng mát và ăn vặt xung quanh khu vực Chợ Bến ThànhChợ Hồ Thị Kỷ hay Phố đi bộ Bùi ViệnPhố đi bộ Nguyễn Huệ để khám phá Sài Gòn về đêm nhé.
    Chuyến du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ chẳng bao giờ nhàm chán vì đã có rất rất rất nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm, bí kíp vi vu, review địa điểm chi tiết ở Blog của Klook Vietnam. Tham khảo và “triển” ngay kế hoạch tham quan thành phố thôi.
    Bạn sẽ ghé thăm Chùa Hoằng Pháp vào cuối tuần này chứ?
    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: