• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • Cung Vương Phủ: Dinh Thự Cổ Xa Hoa Giữa Lòng Bắc Kinh

    Klook Vietnam
    Klook Vietnam
    Last updated 26/3/2025
    cung-vuong-phu-bac-kinh
    Muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc Trung Quốc xưa thì hãy đến ngay Cung Vương Phủ Bắc Kinh. "Bỏ túi" kinh nghiệm du lịch hữu ích cùng Klook nha!
    Nhắc đến hoàng gia Trung Quốc, người ta thường hình dung những cung điện tráng lệ, lối sống vương giả và dấu ấn quyền lực qua từng công trình cổ. Giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, Cung Vương Phủ Bắc Kinh vẫn giữ nguyên nét uy nghi của một dinh thự hoàng gia, nơi từng là chốn ở của các bậc thân vương triều Thanh. 
    Nếu bạn đang tìm kiếm kinh nghiệm khám phá địa điểm này một cách trọn vẹn, từ lịch sử, kiến trúc đến các góc nhỏ ấn tượng, bài viết dưới đây sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích. Khám phá ngay cùng Klook Vietnam nha!

    Kim Chỉ Nam Du Lịch Bắc Kinh Trung Quốc Trọn Bộ

    Du lịch tự túc, có Klook đừng lo! Dưới đây là tất tần tật các tiện ích du lịch và trải nghiệm vi vu bán chạy nhất. Đừng bỏ lỡ nhé! 

    Tiện ích cần thiết - Du lịch là không lo âu!

    Địa điểm tham quan nổi tiếng: 

    Tour ngày mới mẻ - Lịch trình sáng tạo: 

    Đừng quên sử dụng mã giảm giả Klook dành cho độc giả Blog Du Lịch của Klook Vietnam nhé.

    Cung Vương Phủ – Dinh Thự Cổ Nguy Nga Giữa Bắc Kinh

    Cung Vương Phủ – Dinh Thự Cổ Nguy Nga Giữa Bắc Kinh
    Tọa lạc giữa Bắc Kinh sầm uất, Cung Vương Phủ là dinh thự hoàng gia rộng lớn và được bảo tồn tốt nhất từ triều đại nhà Thanh. Bên cạnh là một công trình kiến trúc ấn tượng, nơi đây còn chứa đựng các câu chuyện lịch sử đầy kịch tính.
    Được xây dựng vào năm 1777, dinh thự ban đầu thuộc về Hòa Thân – một cận thần được Hoàng đế Càn Long sủng ái. Nhờ tài trí và sự khéo léo, ông nhanh chóng thăng tiến và nắm trong tay khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, Hòa Thân bị xử tử và toàn bộ gia sản bị tịch thu. Từ đó, tòa dinh thự lần lượt thuộc về các hoàng thân, cuối cùng mang tên Cung Vương Phủ khi được ban cho Hoàng tử Cung.
    Không gian bên trong mang đậm dấu ấn hoàng gia với ba dãy sân lớn, bao gồm khu sinh hoạt và khu vườn rộng 28.000m vuông. Kiến trúc nơi đây gợi nhớ đến sự tráng lệ của Tử Cấm Thành, với các sảnh lớn, đình đài, và những khu vườn uốn lượn giữa núi non nhân tạo.
    Đặc biệt, nhà hát cổ với hơn một thế kỷ tồn tại vẫn là nơi biểu diễn Kinh kịch và Côn khúc đầy sống động. Ngày nay, Cung Vương Phủ mở cửa đón khách như một bảo tàng, mang đến trải nghiệm chân thực về cuộc sống xa hoa của giới quý tộc xưa.

    Cung Vương Phủ Bắc Kinh

    • Địa chỉ: 17 Qianhai W St, Xicheng District, Beijing, China, 100035

    Giờ Mở Cửa Và Giá Vé Tham Quan Cung Vương Phủ Như Thế Nào?

    Giờ Mở Cửa Và Giá Vé Tham Quan Cung Vương Phủ Như Thế Nào?
    Muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Cung Vương Phủ, đừng quên cập nhật giờ mở cửa và giá vé để sắp xếp lịch trình phù hợp. Với không gian rộng lớn, kiến trúc tinh xảo và khu vườn yên bình, đây là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu cuộc sống quý tộc thời nhà Thanh.
    Giờ mở cửa Cung Vương Phủ:
    • Thứ Ba – Chủ Nhật: 8:30 – 17:00
    • Ngừng bán vé: 16:00
    • Ngừng nhận khách: 16:10
    • Đóng cửa vào thứ Hai
    Giá vé tham quan Cung Vương Phủ tham khảo:

    Loại vé

    Giá (CNY/VNĐ)

    Vé vào cửa (sáng/chiều) – Người lớn

    63 CNY (222,333 VNĐ)

    Vé vào cửa (sáng/chiều) – Học sinh

    42 CNY (148,234 VNĐ)

    Vé vào cửa (sáng/chiều) – Người lớn tuổi

    42 CNY (148,234 VNĐ)

    Vé vào cửa + Hướng dẫn (sáng) – Người lớn

    116 CNY (407,599 VNĐ)

    Vé vào cửa + Hướng dẫn (sáng) – Trẻ em

    95 CNY (333,499 VNĐ)

    Vé vào cửa + Hướng dẫn (sáng) – Người lớn tuổi

    95 CNY (333,499 VNĐ)

    Hướng Dẫn Di Chuyển Đến Cung Vương Phủ Tại Bắc Kinh

    Hướng Dẫn Di Chuyển Đến Cung Vương Phủ Tại Bắc Kinh
    Cung Vương Phủ mở cửa đón khách với vai trò như một bảo tàng trưng bày đời sống quý tộc xưa. Để đến đây, bạn có thể chọn xe buýt số 3, 13, 42, 107, 111, 118, 612 hoặc 701, xuống trạm Beihai Bei Men, sau đó đi bộ dọc Sanzuoqiao Hutong khoảng 5 phút. Nếu đi tàu điện ngầm, hãy chọn tuyến số 6, xuống ga Beihai Bắc, cửa B, rồi tiếp tục đi bộ theo hướng bắc.

    Lịch Sử Và Vai Trò Của Cung Vương Phủ

    Cung Vương Phủ là dinh thự cổ kính mang dấu ấn hoàng gia, từng thuộc sở hữu của nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Nơi đây chứng kiến sự thăng trầm của triều đình nhà Thanh, trở thành trung tâm quyền lực và sau này là địa điểm văn hóa quan trọng.

    1. Từ Phủ Đệ Quyền Thần Đến Dinh Thự Hoàng Gia

    Từ Phủ Đệ Quyền Thần Đến Dinh Thự Hoàng Gia
    Năm 1780, Hoàng đế Càn Long ban hôn cho con trai của Hòa Thân và Công chúa Hòa Hiếu. Để chuẩn bị cho đám cưới, phủ đệ được xây dựng trong bốn năm và trở thành nơi ở của công chúa sau khi kết hôn. Tuy nhiên, khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, Hòa Thân bị xử tử và toàn bộ tài sản bị tịch thu. Phủ đệ sau đó được giao cho Hoàng tử Thanh Vĩnh Lân và trở thành Thanh Vương Phủ.
    Trong giai đoạn triều đại Đạo Quang, dinh thự này liên tục đổi chủ giữa các thành viên hoàng tộc. Đến năm 1852, Hoàng đế Hàm Phong ban cho Dịch Hân, người sau này được biết đến với danh hiệu Hoàng tử Cung. Từ đây, nơi này được gọi là Cung Vương Phủ. Dưới sự quản lý của Dịch Hân, phủ được cải tạo và mở rộng, với khu vườn phía sau trở thành Lãng Nhuận Viên – một trong những không gian đẹp nhất phủ.

    2. Biểu Tượng Văn Hóa Giữa Thời Hiện Đại

    Biểu Tượng Văn Hóa Giữa Thời Hiện Đại
    Sau khi triều đại Mãn Thanh sụp đổ, Cung Vương Phủ thuộc quyền sở hữu của hoàng thân quốc thích. Tuy nhiên, biến động thời cuộc khiến nơi đây nhiều lần đổi chủ. Đến năm 1937, tòa phủ được mua lại để xây dựng trường nữ sinh của Đại học Phụ Nhân.
    Sau năm 1949, phủ tiếp tục trải qua nhiều thay đổi khi trở thành một phần của Đại học Sư phạm Bắc Kinh và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Nhờ sự quan tâm của Thủ tướng Chu Ân Lai, quá trình trùng tu được thực hiện nhằm bảo tồn giá trị lịch sử của công trình. Đến năm 1975, nơi này chính thức mở cửa đón khách tham quan, trở thành di sản quan trọng của Bắc Kinh.

    Kiến Trúc Và Các Khu Vực Nổi Bật Nên Ghé Thăm Tại Cung Vương Phủ

    Kiến Trúc Và Các Khu Vực Nổi Bật Nên Ghé Thăm Tại Cung Vương Phủ
    Nằm trên long mạch thủy của Bắc Kinh, Cung Vương Phủ được xem là một nơi hội tụ vượng khí bậc nhất. Với diện tích khoảng 31.000m vuông, khuôn viên nơi đây được chia thành hai phần chính là khu nhà ở và khu vườn. Khu nhà ở bao gồm ba dãy chính Trung lộ, Đông lộ và Tây lộ. 
    Trung lộ là khu quan trọng nhất với các sảnh lớn, hậu đường và dãy nhà kéo dài đến 160 mét. Đông lộ và Tây lộ có kết cấu tương tự, tạo nên bố cục cân đối. Kiến trúc tại đây thể hiện rõ sự tinh tế của thời nhà Thanh với mái hiên rộng, cột trụ gỗ quý cùng các chi tiết chạm khắc tỉ mỉ.
    Phía sau là khu vườn Cui Jin, nơi hội tụ đình đài, hồ nước, cầu đá và các tiểu cảnh phong phú. Nhiều người tin rằng nơi này chính là nguyên mẫu của Vinh Quốc Phủ trong “Hồng Lâu Mộng”. Một điểm dừng chân đáng để khám phá!

    1. Khu Vực Trung Lộ

     Khu Vực Trung Lộ
    Khu vực Trung lộ là phần quan trọng nhất trong Cung Vương Phủ, nơi tập trung các công trình mang giá trị lịch sử và kiến trúc đặc sắc. Một trong những điểm đáng chú ý là điện Ngân An, nơi từng diễn ra các nghi lễ quan trọng. Công trình gốc đã bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1921, nhưng hiện nay đã được phục dựng. Với vị trí trung tâm, điện này mang nét uy nghi của một chính điện, chỉ được mở vào các dịp lễ lớn.
    Không xa đó là Gia Lạc đường, công trình có từ thời Hòa Thân. Trên tường vẫn treo tấm biển khắc chữ “Gia Lạc đường”, được cho là quà tặng từ Hoàng đế Càn Long, dù không có dấu xác nhận chính thức. Về sau, nơi này trở thành không gian thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự trang nghiêm của phủ đệ hoàng thân.
    Điểm nhấn đặc biệt trong Trung lộ chính là Hậu Tráo lâu, hay còn gọi là Bảo Khố. Đây là tòa nhà dài nhất tại Cung Vương Phủ, kéo dài hơn 180 mét. Kiến trúc này được thiết kế để lưu giữ của cải của Hòa Thân, phản ánh sự xa hoa của ông vào thời bấy giờ. Điều thú vị là tòa nhà có 99 phòng rưỡi, lấy cảm hứng từ Tử Cấm Thành – nơi có 9999 phòng rưỡi.
    Mặt sau của Bảo Khố được trang trí với 44 ô cửa sổ thêu hoa văn tinh xảo, mỗi ô mang một kiểu dáng riêng. Theo lời kể, Hòa Thân thiết kế như vậy để khi cần lấy bảo vật, ông có thể tìm theo hoa văn cửa sổ để biết vị trí cất giữ. Điều này cho thấy sự tính toán tỉ mỉ, đồng thời tạo ra một điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc.

    2. Khu Vực Tây Lộ

    Khu Vực Tây Lộ
    Khu Tây lộ của Cung Vương Phủ mang đậm dấu ấn lịch sử, từ nơi tiếp khách bí mật đến không gian sống xa hoa. Địa điểm đáng chú ý tại đây là phòng Bảo Quang, từng là phòng khách trong thời Hòa Thân và Thân vương Túc, sau đó trở thành nơi tiếp đón thân thích của Thân vương Cung. Tấm biển mang tên “Bảo Quang” do Hoàng đế Hàm Phong ban tặng, thể hiện lời nhắc nhở về sự tiết chế quyền lực.
    Khu Vực Tây Lộ
    Đi sâu vào khu Tây lộ, Tích Tấn Trai, hay còn gọi là Nam Mộc Đường, là một công trình ấn tượng. Ban đầu, nơi đây có tên Gia Lạc đường khi Hòa Thân cư ngụ, sau đổi thành Thanh Ý Đường dưới thời Thân vương Túc và Thân vương Cung. Đến thời Thân vương Cung Phổ Vĩ, nó được đổi thành Tích Tấn Trai để tôn vinh bức thư pháp quý giá “Bình Phục Thiếp” của Lục Cơ – học giả thời nhà Tấn.
    Tích Tấn Trai nổi bật với lối kiến trúc cầu kỳ, nội thất làm từ nam mộc vàng, loại gỗ quý hiếm có tuổi thọ hàng nghìn năm. Kỹ thuật chế tác tinh xảo khiến không gian mang vẻ sang trọng, tương tự cung Ninh Thọ trong Tử Cấm Thành. Sàn nhà lát gạch vàng, một loại đá núi lửa hiếm, sau khi đánh bóng tạo thành hoa văn lấp lánh, hài hòa cùng các đường chạm khắc trên gỗ nam mộc. Không gian này phản ánh sự xa hoa của Hòa Thân, đến mức từng bị liệt vào danh sách “hai mươi tội lớn” của ông.

    3. Khu Vực Đông Lộ

    Khu Vực Đông Lộ
    Khu Đông lộ của Cung Vương Phủ là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn về đời sống của hoàng thân thời Thanh. Trong đó, Đa Phúc Hiên là một công trình nổi bật. Nơi đây từng được gọi là Đằng La Viện, sau đó đổi thành Đa Phúc Hiên dưới thời Thân vương Cung. Đây là phòng tiếp khách chính, nơi chủ nhân gặp gỡ thân thích, bằng hữu hoặc thuộc hạ đến báo cáo công việc. Ngoài ra, đây cũng là nơi cất giữ lễ vật do hoàng đế ban tặng.
    Khu Vực Đông Lộ
    Điều làm nên nét đặc biệt của Đa Phúc Hiên là tấm biển treo giữa sảnh với dòng chữ “Thông đức diên hy”, mang ý nghĩa nhắc nhở chủ nhân rằng muốn có phúc lâu dài thì cần giữ phẩm hạnh tương đồng với hoàng đế. Trên bốn bức tường còn có các bức hoành phi chữ “Phúc” và “Thọ”, được viết trên giấy đỏ hình thoi và sắp xếp theo kiểu con thoi, thể hiện mong ước về sự thịnh vượng và trường thọ.
    Bước qua các dãy hành lang, Lạc Đạo Đường hiện ra với vẻ cổ kính. Theo quan niệm thời Thanh, khu vực phía Đông được dành cho người quan trọng nhất trong phủ, vì vậy Thân vương Cung đã chọn nơi này làm chỗ ở. Ông đổi tên khu nhà thành Lạc Đạo Đường và tự gọi mình là “chủ nhân Lạc Đạo Đường”, thể hiện lối sống hướng về sự thư thái và an yên.
    Tên gọi này gắn liền với một kỷ niệm đáng nhớ. Khi Thân vương Cung còn trẻ, ông từng sống tại A Ca Phủ trong Viên Minh Viên trước khi thành thân, và chính Hoàng đế Đạo Quang đã đích thân viết tấm biển “Lạc Đạo Đường” để tặng con trai. Sau này, để tưởng nhớ cha, ông đặt cùng tên cho nhiều nơi quan trọng, bao gồm cả phủ đệ của mình.
    Một chi tiết thú vị được phát hiện trong quá trình trùng tu năm 2005 là bức họa phượng hoàng vàng ôm mẫu đơn trên xà chính phía Bắc. Hai cánh chim dang rộng bay quanh đóa hoa đang nở rộ, bao bọc bởi mây lành nhiều màu sắc. Những hình vẽ này tạo nên bầu không khí trang nhã, phản ánh sự phồn hoa của phủ Thân vương.

    4. Khu Vườn Tại Cung Vương Phủ

    Khu Vườn Tại Cung Vương Phủ
    Bên cạnh các công trình phòng ốc, khu vườn chính là điểm nhấn tham quan mà bạn không nên bỏ lỡ tại Cung Vương Phủ. Đi qua cánh cổng Tây Dương Môn bằng đá cẩm thạch trắng, bạn sẽ có cảm giác như bước vào một không gian giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Ngay phía bắc cổng là Độc Lạc Phong, tảng đá cao khoảng 5m với bề mặt uốn lượn tự nhiên theo thời gian, tạo cảm giác như làn nước mềm mại lững lờ trôi.
    Giữa vườn là hồ nước có hình dáng tựa cánh dơi – Phúc Trì, biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Mỗi độ xuân về, cánh hoa du rơi xuống mặt hồ, tựa như đồng tiền nhỏ, hàm ý phú quý dồi dào. Bên cạnh hồ là An Thiện Đường, một gian nhà rộng rãi, nơi chủ nhân từng thưởng trà, vẽ tranh hay tiếp đãi khách quý trong khung cảnh thanh nhã.
    Lối nhỏ dẫn lên Đích Thúy Nham, một ngọn giả sơn tạo nên từ đá Thái Hồ, nơi lưu giữ tấm bia khắc chữ "Phúc" của hoàng đế Khang Hi. Tảng đá vững chãi này còn được gọi là "Thiên Hạ Đệ Nhất Phúc", mang theo ý niệm cát tường. Từ đây, du khách có thể tiếp tục bước lên Yêu Nguyệt Đài – điểm cao nhất vườn, nơi từng được xây dựng với mong muốn "bình bước thanh vân", bước qua gian khó để đạt được thành công viên mãn.

    Kinh Nghiệm Du Lịch Tại Cung Vương Phủ Bắc Kinh

    Kinh Nghiệm Du Lịch Tại Cung Vương Phủ Bắc Kinh
    Cung Vương Phủ mang đến một không gian hoài cổ, tái hiện cuộc sống xa hoa của giới quý tộc triều Thanh. Không chỉ là một di tích lịch sử, nơi đây còn là hành trình khám phá kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa. Để có trải nghiệm trọn vẹn, hãy tham khảo các kinh nghiệm sau.
    • Nên ghé thăm vào các ngày trong tuần để tránh đông đúc. Nếu có thể, hãy đến vào buổi sáng để tận hưởng không gian yên tĩnh.
    • Mùa xuân và mùa thu là thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng khuôn viên xanh mát và không khí dễ chịu.
    • Dành ít nhất 3-4 giờ để tham quan hết các khu vực, từ đại sảnh rộng lớn đến vườn cây rợp bóng.
    • Cầm theo bản đồ để không bỏ lỡ các điểm đặc sắc, nhưng cũng đừng ngại rẽ vào các lối nhỏ để khám phá bất ngờ thú vị.
    • Mang theo máy ảnh có khả năng zoom tốt để ghi lại các chi tiết tinh xảo. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế sử dụng đèn flash trong khu vực trưng bày để bảo vệ hiện vật.
    • Sau khi tham quan Cung Vương Phủ, bạn cũng có thể dạo quanh hồ Bắc Hải hay ghé các quán trà ven sông để thư giãn.

    Câu Hỏi Thường Gặp Về Cung Vương Phủ Bắc Kinh

    1. Cung Vương Phủ ở đâu?
    Cung Vương Phủ nằm ở số 17 phố Qianhai, quận Tây Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một địa điểm tham quan nổi bật gần khu vực Tử Cấm Thành và Hồ Hậu Hải
    2. Có cần mua vé Cung Vương Phủ trước khi tham quan không?
    Dù không bắt buộc, nhưng bạn nên đặt trước vé Cung Vương Phủ để tránh phải xếp hàng chờ đợi, hay tình trạng hết vé vào mùa cao điểm.
    3. Cung Vương Phủ có gì đặc sắc về văn hóa?
    Cung Vương Phủ là một dinh thự nhà Thanh được bảo tồn tốt nhất tại Trung Quốc. Kiến trúc cung điện mang nét xa hoa, tinh xảo, phản ánh lối sống thượng lưu của quan lại nhà Thanh. Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá các hiện vật, tranh ảnh và câu chuyện lịch sử liên quan đến thời đại này
    4. Nên tham quan Cung Vương Phủ vào thời gian nào?
    Thời gian lý tưởng để tham quan Cung Vương Phủ là vào mùa thu (tháng 9 - 11) khi thời tiết mát mẻ, cảnh sắc Bắc Kinh rực rỡ với sắc vàng của lá cây. Nếu muốn trải nghiệm không gian yên tĩnh, bạn nên đi vào buổi sáng hoặc các ngày trong tuần để tránh đông đúc.
    5. Ẩm thực gần Cung Vương Phủ Bắc Kinh như thế nào?
    Khu vực xung quanh có nhiều nhà hàng truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là các món ăn Bắc Kinh như vịt quay, sủi cảo, mì kéo tay. Ngoài ra, phố ẩm thực gần hồ Hậu Hải cũng là điểm đến hấp dẫn với nhiều lựa chọn đa dạng.
    Cung Vương Phủ mang đậm dấu ấn hoàng gia, từ kiến trúc tinh xảo đến không gian vườn cổ thanh tịnh. Ghé thăm các đại sảnh, chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm khắc tinh tế hay lắng nghe những giai thoại lịch sử sẽ giúp chuyến đi thêm trọn vẹn. Nếu có dịp ghé thăm, hãy dành thời gian khám phá từng chi tiết để cảm nhận hết vẻ đẹp của công trình tiêu biểu giữa lòng Bắc Kinh.
    Lần đầu đi Bắc Kinh thì nên chuẩn bị gì để có một chuyến đi thuận lợi và đáng nhớ? Trang bị "bí kíp" du lịch ngay tại Klook Blog nha: Hướng Dẫn Đi Tàu Cao Tốc Trung Quốc Chi Tiết Cho Người Mới, Du Lịch Bắc Kinh Tự Túc? Bỏ Túi Kinh Nghiệm Mới Nhất!, Tháng 5 Đi Du Lịch Ở Đâu? 15 Gợi Ý Hay Ho Trong & Ngoài Nước, 10 Ứng Dụng Dịch Tiếng Trung Tốt Nhất Cho Du Khách Việt,...

    Click Để Tải Ứng Dụng Klook Ngay Hôm Nay!

    Có tận 1001 lý do để bạn tham gia ứng dụng Klook ngay và luôn. Hãy cùng mở khoá ưu đãi độc quyền dành cho người dùng App, đọc thêm tin tức hấp dẫn và kết nối với #teamKlook cùng sở thích nhé.
    Đặt vé máy bay và sẵn sàng cho chuyến tham quan Cung Vương Phủ Bắc Kinh ngay nha!
    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: