Khám phá các món ăn ngày Tết đặc biệt không thể thiếu trên mâm cỗ truyền thống tại Việt Nam và ở nhiều quốc gia trên thế giới vào dịp Tết Nguyên Đán.
Theo phong tục của nhiều nước châu Á, dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm các gia đình quây quần tụ họp trong không khí rộn ràng chào đón năm mới. Các món ăn hấp dẫn bày trên mâm cỗ đầu năm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nét văn hóa ẩm thực truyền thống của mỗi quốc gia.
Trong bài viết này, Klook Việt Nam sẽ cùng bạn khám phá từ các món ăn ngày Tết tại Việt Nam đến các món ngon độc đáo của các quốc gia khác vào dịp đặc biệt này nhé.
Các Gợi Ý Du Lịch Việt Nam Được Yêu Thích Nhất Trên Klook:
Du lịch Việt Nam, có Klook thêm thư thái! Tham khảo các trải nghiệm du lịch Việt Nam đang được yêu thích nhé.
1. Dành Cho Gia Đình:
2. Dành Cho Người Yêu Động Vật:
3. Tour Nội Địa Ngắn Ngày/Trong Ngày Tiết Kiệm:
Truy cập www.klook.com/vi/ để tham khảo thêm nhiều gợi ý du lịch hấp dẫn. Đừng quên sử dụng mã giảm giả Klook dành cho độc giả Blog Du Lịch của Klook Vietnam nhé.
Món Ngon Ngày Tết Việt Nam: Trải Nghiệm Hương Vị Đậm Đà Truyền Thống
Việc thưởng thức ẩm thực dịp Tết không chỉ đơn thuần là một trải nghiệm về hương vị mà còn là một hành trình sâu lắng vào văn hóa, giá trị tinh thần của người Việt. Klooker gợi ý bạn những món ăn ngày Tết đặc trưng không thể thiếu trên mâm cỗ ba miền dưới đây:
1. Miền Bắc Bánh Chưng, Miền Nam Bánh Tét
Bánh chưng và bánh tét từ lâu đã là hai biểu tượng vượt thời gian của ẩm thực Tết Việt Nam. Miền Bắc thường gói bánh chưng hình vuông tượng trưng cho sự hòa quyện của đất trời để đem dâng cúng tổ tiên vào Tết nguyên đán và giỗ tổ Hùng Vương. Ở miền Trung và miền Nam, người dân lại chuộng bày bánh tét, hay còn có tên gọi là bánh đòn vào dịp Tết. Bánh được gói hình trụ dài thể hiện sự bao bọc của người mẹ, mang đậm giá trị tình thân gia đình.
Nguyên liệu làm ra hai loại bánh này tương tự nhau, gồm có gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh bọc trong lá dong hoặc lá chuối. Ngoài loại bánh nhân mặn truyền thống, hiện nay còn có các nhân ngọt, chay phù hợp với nhu cầu khác nhau. Đặc biệt, bánh cần đem đi luộc liên tục trong 8-12 tiếng, vì thế hoạt động cùng nhau ngồi trông bánh chín vào những ngày sát Tết trở nên ý nghĩa hơn cả.
2. Dưa Hành, Củ Kiệu - Món Ăn Kèm Không Thể Thiếu Trong Ngày Tết
Thơ ca dân gian Việt Nam có câu đối ngày Tết: “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Mâm cỗ Tết truyền thống, ngoài những món ăn chính, không thể thiếu đĩa dưa hành muối, hay củ kiệu ngâm.
Hình ảnh các bà, các mẹ lột từng bó củ hành, củ kiệu để đem ngâm mắm, muối dưa chính là dấu hiệu báo Tết đã cận kề. Những miếng dưa hành muối chín vừa sẽ có màu trắng nuột, mang vị chua nhẹ, kết cấu giòn và không hề hăng. Đây là món ăn dân dã đặc biệt thích hợp để giải ngấy sau khi thưởng thức mâm cỗ đầy đặn ngày Tết. Ngoài ra, bộ đôi này cũng có công dụng kích thích tiêu hóa, giảm đầy bụng rất tốt, bạn có thể ăn kèm với các món ăn nhiều dầu mỡ hàng ngày.
3. Gỏi Cuốn - Món Ăn Kèm Thơm Ngon Vào Mùa Xuân
Gỏi cuốn, hay còn gọi là nem cuốn là món ăn ngày Tết phổ biến, bắt nguồn từ miền Nam Việt Nam. Đây là món ăn tươi ngon, dễ làm, góp phần làm phong phú thực đơn ngày Tết truyền thống.
Những lớp bánh tráng mỏng, dẻo cuốn quanh những nguyên liệu tươi ngon như thịt luộc, tôm tươi, cùng các loại rau sống và bún, sau đó chấm trong nước sốt mắm tỏi ớt đậm đà. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên gỏi cuốn đẹp mắt, hương vị tươi mát, hợp khẩu vị với tất cả mọi người. Bạn cũng có thể dễ dàng biến tấu món ăn này thành các món cuốn khác nhau để dọn tủ sau dịp lễ Tết.
4. Thịt Kho Trứng (Thịt Kho Tàu) - Món Ăn Ngày Tết Thơm Ngon Ở Miền Nam
Nếu như món ăn ngày Tết đặc trưng miền Bắc là thịt đông thì ở trong Nam có món thịt kho trứng, hay còn gọi với cái tên thân thương là thịt kho hột vịt, thịt kho tàu. Món thịt kho không chỉ có hình thức ngon miệng mà còn là món ăn tiện lợi, mang hương vị quê nhà.
Thịt heo ba chỉ và trứng gà hoặc trứng vịt nguyên quả được nấu chung trong nước dừa đậm đà nêm cùng dầu mè, đường, nước mắm và gia vị. Từng miếng thịt nạc thơm mềm, thấm đẫm nước màu, kết hợp cùng vị béo ngậy của trứng, tạo thành món ăn hoàn hảo cùng cơm nóng. Nếu bạn sợ ngấy, dưa cải chua sẽ là món ăn kèm phù hợp. Các gia đình thường kho sẵn một nồi thịt lớn để ăn dần trong dịp Tết hoặc dùng bữa hàng ngày.
5. Các Loại Giò Và Chả Thịt
Từ cỗ cúng tổ tiên cho đến trung tâm mâm cỗ Tết, bạn thường bắt gặp những đĩa giò chả thái khoanh hay tỉa hình đẹp mắt. Đây không chỉ là một trong những tinh hoa ẩm thực Việt Nam mà còn mang ý nghĩa mong cầu gia đình ấm êm, phúc lộc tràn đầy trong năm mới.
Giò chả có nhiều loại đa dạng hình dáng và nguyên liệu như chả lụa, chả bò, chả hoa, giò thủ, giò bê, giò tai,... Phần thịt chả mềm mọng thơm ngon được bao bọc trong lá chuối, khi cắt ra có thể thưởng thức trực tiếp hoặc chế biến thành các món ăn khác. Hương vị giò chả thanh đạm, dễ ăn và thích hợp đem mời khách trong nhiều dịp đặc biệt.
6. Nem Chua - Món Ăn Kèm Không Thể Thiếu Trong Ngày Tết
Nem chua - một món ăn ngày Tết không thể thiếu của người Việt. Nem chua ở mỗi vùng miền lại mang đến hương vị riêng biệt, trong đó nổi tiếng nhất là nem chua Thanh Hóa. Món đặc sản này được chế biến từ thịt lợn xay nhuyễn tẩm ướp gia vị, trộn chung cùng thính gạo. Bên ngoài nem được lót vài miếng tỏi, ớt, lá ổi, lá chùm ruột hay lá sung và sau cùng bọc một lớp ni-lông và lá chuối dày rồi đem đi ủ lên men.
Ở miền Bắc, nem chua thường có hình trụ nhỏ, vỏ mỏng, thơm mùi tiêu và có thể ăn sống chấm cùng tương ớt. Miền Trung thường gói nem thành hình vuông và chấm cùng nước mắm chua ngọt. Còn ở miền Nam, nem chua thường được làm thành gỏi, nộm và dùng làm món nhắm. Thưởng thức những gói nem chua dai, giòn, chua cay ngày Tết là trải nghiệm văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
7. Lạp Xưởng
Lạp xưởng, hay lạp sườn, là món ăn ngày Tết cổ truyền có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo quan niệm của người Á Đông, màu đỏ hồng của những xâu lạp xưởng sẽ mang đến may mắn và tài lộc trong năm mới.
Thành phần chính của món ăn này là thịt nạc và thịt mỡ lợn xay nhuyễn trộn với gia vị rồi nhồi vào ruột lợn khô, sau đó để lên men tự nhiên cho đến khi chín. Hiện này trên thị trường có nhiều loại lạp xưởng tươi và khô, với các hương vị mới lạ như lạp xưởng tôm, bò, thập cẩm,... Ngoài ra, món lạp xưởng có thể lưu trữ dài ngày và tiện lợi chế biến thành món ăn chính hoặc ăn kèm với xôi, bánh mỳ hàng ngày.
8. Canh Khổ Qua Nhồi Thịt - Món Ăn Ngày Tết Cầu Bình An
Nhiều gia đình miền Nam lựa chọn nấu canh khổ qua nhồi thịt như một món ăn ngày Tết Nguyên đán. Người dân nơi đây cho rằng “khổ qua” mang ý nghĩa xua tan lo lắng, khó khăn trong năm cũ và đón chờ một năm mới nhiều niềm vui và may mắn.
Món canh khổ qua có vị thanh mát bởi sự hòa quyện giữa vị đắng nhẹ của khổ qua cùng vị ngọt thơm của thịt và nấm mèo. Nguyên liệu tuy đơn giản nhưng để trình bày sao cho ngon mắt lại đòi hỏi bàn tay tỉ mỉ và khéo léo của người nấu. Đặc biệt, canh khổ qua nhồi thịt còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, rất tốt cho sức khỏe.
9. Đa Dạng Các Món Mứt Ngon Ngày Tết
Nhắc đến món ăn ngày Tết, trong lòng mỗi người lớn và trẻ nhỏ đều nhớ về những khay mứt Tết đủ đầy mỗi khi ghé thăm chúc Tết họ hàng, người thân, bạn bè. Mứt Tết truyền thống không chỉ là món ăn vặt ngon miệng mà còn mang ý nghĩa đoàn tụ, sum vầy, hạnh phúc mỗi dịp Tết đến xuân về.
Mứt Tết thường được làm từ nhiều loại củ, quả sấy khô và vô cùng phong phú về hương vị, màu sắc. Trong đó, phổ biến nhất có thể kể đến mứt dừa, mứt gừng, mứt cà chua, mứt hạt sen,... Niềm vui của ngày Tết cổ truyền Việt Nam chính là khoảnh khắc nhâm nhi tách trà nóng, thưởng thức vị ngọt bùi, dai giòn sần sật của các loại mứt và trò chuyện cùng những người thân yêu.
10. Bánh In - Món Ăn "Tiến Vua" Ngày Tết
Bánh in, hay bánh cộ từng là loại bánh dâng vua từ thời nhà Nguyễn và tới nay là một món ăn ngày Tết đặc sản của cố đô Huế. Bánh in mang trong mình vẻ đẹp của nghệ thuật ẩm thực truyền thống và chứa đựng nhiều lời chúc phúc ý nghĩa.
Sở hữu vẻ ngoài đơn giản màu trắng tinh khiết nhưng cách làm bánh in lại vô cùng công phu, tinh xảo. Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản gồm bột nếp, bột năng, đậu xanh và đường, sau đó được ép khuôn tròn trịa và khắc thành các hình in chữ hán Phúc - Lộc - Thọ trên mặt bánh. Đây cũng là món ăn thích hợp để bày biện trên bàn thờ cúng tổ tiên và đem thết đãi khách bởi những lớp giấy gói bánh ngũ sắc độc đáo.
11. Gà Luộc - Món Ăn Ngon Quen Thuộc Trên Mâm Cúng Tết
Trên bàn thờ cúng gia tiên hay những bữa cỗ trọng đại của người Việt không thể thiếu món gà luộc nguyên con. Đây cũng là món ăn ngày Tết mang màu vàng óng ả, tượng trưng cho một năm mới thuận lợi, ấm no, thịnh vượng.
Thịt gà ta được luộc chín mềm, da căng bóng sau đó đem đi chặt nhỏ rồi bày gọn gàng ra đĩa. Món ăn bình dị nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật nấu và chặt gà chuyên nghiệp để giữ được sự ngon miệng của thịt gà. Khi ăn, thịt gà được chấm cùng muối tiêu cùng lá chanh thơm phức là trọn vẹn cho một bữa cỗ Tết miền Bắc.
12. Nem Rán
Món nem rán thường xuất hiện trong các mâm cỗ ngày Tết và là một trong những món ăn “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam. Những miếng nem tròn trịa, kết hợp đầy đặn nhân chay mặn không chỉ mang lại hương vị thơm ngon mà còn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguyên liệu làm nhân nem rán rất đa dạng, thường có thịt nạc xay, trứng, rau củ, nấm hương, mộc nhĩ, miến. Sau đó, người nấu cần khéo léo cuốn bánh đa nem thành những cuốn nhỏ vừa ăn và đem đi chiên giòn ngập dầu. Ngoài ra, nem rán ở miền Trung gọi là chả ram, miền Nam là chả giò với các loại nhân khác nhau.
Nem rán ngon nhất khi ăn cùng các loại rau sống, và chấm nước mắm pha chế đặc biệt. Một số món ăn kèm nem rán như bún chả Hà Nội, bún đậu mắm tôm.
Ẩm Thực Tết Nguyên Đán Đa Dạng Tại Các Quốc Gia Trên Thế Giới
Một hành trình qua các nền văn hóa ẩm thực trong dịp Tết sẽ mang đến cho bạn cái nhìn đa chiều về cách mà các quốc gia khác nhau kỷ niệm ngày lễ trọng đại này. Cùng Klooker tìm hiểu các món ăn ngày Tết tại một số nước châu Á!
1. Món Ăn Ngày Tết Ở Nhật Bản
Món ăn ngày Tết truyền thống ở Nhật Bản có tên gọi là “osechi ryori”. Osechi ryori là hộp gồm 3-5 tầng xếp chồng lên nhau chứa nhiều món ăn kèm như trứng cuộn, cá khô, đậu đen bung, trứng cá trích,... Mỗi tầng món ăn thể hiện một thông điệp sâu sắc, mong cầu cho năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu. Ngoài ra, bánh kagamimochi, osechi, ozouni, mochi, cháo thất thái, mì trường thọ cũng là những món không thể thiếu trong bữa tiệc Tết của người Nhật.
2. Món Ăn Ngày Tết Ở Hàn Quốc
Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc có tên là Seollal, cũng là một trong ba dịp lễ lớn nhất xứ sở kimchi. Người Hàn chào đón năm mới bằng những món ăn đậm chất truyền thống như: miến trộn japchae, canh bánh gạo (tteokguk), bánh xèo (jeon), thịt bò nướng (bulgogi), bánh trà mè đen, sườn om, xôi ngọt (yaksik), trà quế... Cả một nền ẩm thực độc đáo được gói gọn trong bữa tiệc Tết ấm cúng của người Hàn.
3. Món Ăn Ngày Tết Ở Trung Quốc
Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, hay còn gọi là lễ hội mùa xuân Chunjie, là dịp sum họp gia đình trọng đại. Một số món ăn không thể thiếu trong bữa tiệc đón năm mới của người Trung Quốc: sủi cảo, bánh tổ, mì trường thọ, cá, bánh trôi, bánh gạo nếp, cam và quýt... Những món ăn ngày Tết này đều có phát âm hoặc được làm từ nguyên liệu mang điềm lành theo phong tục Trung Quốc.
4. Món Ăn Ngày Tết Ở Hồng Kông
Tết ở Hồng Kông mang đến một loạt các món ngon truyền thống và độc đáo. Bao tử bò, dimsum, bánh củ cải chiên, bánh bao xá xíu, heo quay, đậu phụ thối, cà ri cá viên, bánh trứng gà non, cháo cá, súp vi cá mập giả, bánh tart... đều là những món ăn ngày Tết đặc trưng của Hồng Kông.
5. Món Ăn Ngày Tết Ở Singapore
Món ăn ngày Tết ở Singapore mang đặc điểm pha trộn giữa văn hóa Trung Hoa và ẩm thực đa quốc gia. Các món truyền thống như sủi cảo, bánh gạo, lạp sườn, cam quýt tráng miệng, hạt dưa… Ngoài ra, bữa ăn năm mới của người Singapore thường có những món lẩu hoặc món hầm độc đáo như gỏi cá thịnh vượng (lo hei yusheng), pen cai poon choi.
6. Món Ăn Ngày Tết Ở Thái Lan
Thái Lan vốn nổi tiếng với khách du lịch bởi ẩm thực phong phú đậm vị chua cay đặc trưng. Tết Songkran ở Thái Lan cũng mang đến một loạt món ngon đa dạng. Một số món ăn ngày Tết không thể thiếu tại đây đó là khao chae, kaeng phed (cà ri đỏ), cá diêu hồng sốt me, thịt gà cuộn lá dứa, canh tom yum...
7. Món Ăn Ngày Tết Ở Malaysia
Khách du lịch khi đến Malaysia không quá xa lạ với những món ăn nổi tiếng như mì laksa, thịt xiên nướng satay, salad rojak, roti canai…Đặc biệt, trong dịp lễ Tết, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều loại kẹo bánh truyền thống chỉ có trong dịp đặc biệt này như bánh baba nyonya, bánh kuih bangkit, bánh dứa, bánh kuih bahulu, kẹo haw flakes.
Các món ăn trên đây chỉ là một phần nhỏ trong sự phong phú và đa dạng của ẩm thực ngày Tết khắp thế giới. Mỗi món ăn đều mang trong mình một phần của văn hóa tinh thần và phong tục truyền thống của mỗi quốc gia. Klook Việt Nam hy vọng rằng mâm cỗ Tết của gia đình bạn cũng sẽ đủ đầy món ngon và đong đầy hạnh phúc.
Đừng quên ghé qua blog du lịch của Klook để khám phá các địa điểm du lịch hấp dẫn như: Kim Sơn Ninh Bình, Chùa Bích Động, Đầm Vân Long, Biển Vô Cực Thái Bình, Cố Đô Hoa Lư dịp Tết năm nay. Chúc bạn có một kì nghỉ Tết vui vẻ và ấm cúng bên gia đình và người thân yêu!
Click Để Tải Ứng Dụng Klook Ngay Hôm Nay!
Có tận 1001 lý do để bạn tham gia ứng dụng Klook ngay và luôn. Hãy cùng mở khoá ưu đãi độc quyền dành cho người dùng App, đọc thêm tin tức hấp dẫn và kết nối với #teamKlook cùng sở thích nhé.
Bạn đã thử hết các món ăn ngày Tết hấp dẫn này chưa?
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: