Chợ nổi Cái Răng: Du ngoạn chợ nổi lớn nhất miền Tây

Chợ nổi Cái Răng không chỉ là một biểu tượng văn hóa của miền Tây Nam Bộ mà nay còn là địa điểm du lịch hấp đẫn cho du khách trong và ngoài nước. Ngắm bình minh ló dạng trên khu chợ nổi tấp nập, thưởng thức ẩm thực độc đáo, và lắng nghe đờn ca tài tử da diết giữa sông nước mênh mông là những trải nghiệm khó quên cho những ai yêu quý mảnh đất Tây Đô trù phú này.

Chợ nổi Cái Răng không chỉ là một biểu tượng văn hóa của miền Tây Nam Bộ mà nay còn là địa điểm du lịch hấp đẫn cho du khách trong và ngoài nước. Ngắm bình minh ló dạng trên khu chợ nổi tấp nập, thưởng thức ẩm thực độc đáo, và lắng nghe đờn ca tài tử da diết giữa sông nước mênh mông là những trải nghiệm khó quên cho những ai yêu quý mảnh đất Tây Đô trù phú này.

Kinh nghiệm đi chợ nổi Cái Răng

1. Sự hình thành của chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh Quốc cũng đã bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới.

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ được hình thành từ thế kỷ 20, tập trung buôn bán các loại nông sản, trái cây, đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Khi xưa, chợ này đã từng là vựa thu mua lúa gạo lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long của Hoa Kiều. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển nhưng Chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại và duy trì nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước. Không gian văn hóa tại chợ nổi Cái Răng và di sản quý báu của đờn ca tài tử vẫn được bảo tồn và truyền lại qua nhiều thế hệ. Sức hấp dẫn của nơi này đối với du khách không chỉ là những trải nghiệm thú vị khi mua sắm và thưởng thức ẩm thực trên ghe, sự tươi ngon của các mặt hàng, mà còn bởi nét chất phác thật thà của người dân xứ Tây Đô.

2. Chợ nổi Cái Răng ở đâu?

  • Địa chỉ chợ nổi Cái Răng: Số 46 đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m và cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km phía Nam. Di chuyển đường thuỷ từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng mất tầm 30 phút bằng ghe thuyền.

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng. Vị trí này thuận tiện cho việc thông thương và buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Nhờ vậy, chợ nổi Cái Răng đã trở thành điểm họp chợ có quy mô lớn và sầm uất nhất miền Tây. Mỗi ngày có hàng trăm ghe thuyền họp chợ trên tuyến giao thông đi các tỉnh ở phía tây sông Hậu như Cà Mau - Rạch Giá. Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng rất đa dạng từ các loại hoa quả trái cây nhiệt đới, hàng thủ công, đồ gia dụng đến khu ẩm thực và giải khát.

3. Thời gian lý tưởng để tham quan chợ nổi Cái Răng

Tham quan chợ nổi Cái Răng mùa nào đẹp nhất?

Tại Cần Thơ, hai mùa chính là mùa mưa và mùa nắng. Chợ họp quanh năm nên du khách có thể ghé thăm chợ Cái Răng bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, mùa nắng (từ tháng 5 đến tháng 8) khi sông có mực nước ổn định và ít mưa là thời điểm lý tưởng nhất để đi chợ nổi Cái Răng. Đây cũng là mùa trái cây miền Tây, bạn sẽ được thưởng thức nhiều loại trái cây tươi ngon, chín mọng với giá cả phải chăng.

*Cần lưu ý rằng chợ sẽ đóng cửa hoặc hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm Lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết) và Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm âm lịch).

Nên đi chợ nổi Cái Răng lúc mấy giờ?

Chợ nổi Cái Răng họp từ 5h, nhộp nhịp nhất lúc 7h – 8h rồi vãn dần từ 9h. Du khách thường đến trong khoảng 6h-8h để ngắm bình minh và trải nghiệm không khí sôi động của chợ nổi vào buổi sáng với hàng trăm ghe thuyền từ khắp nơi hội tụ. Những chiếc thuyền nhỏ sẽ phục vụ các món ăn sáng, cafe, và trái cây. Đừng bỏ lỡ khoảnh khắc đón bình minh trên dòng sông thơ mộng trong khoảng thời gian này nhé!

4. Cách di chuyển đến chợ nổi Cái Răng

Từ Sài Gòn, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy, xe ôtô hoặc đi xe khách tới Cần Thơ, mất 3 - 4 giờ. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, bạn cần di chuyển đến bến tàu Cái Răng, sau đó thuê ghe hoặc thuyền để đến chợ nổi.

Khi chọn các tour du lịch chợ nổi Cái Răng trên Klook, du khách sẽ được cung cấp dịch vụ đưa đón từ trung tâm thành phố Cần Thơ hay Thành phố Hồ Chí Minh (tuỳ vào điểm xuất phát của tour). Tham khảo thêm thông tin ở mục “Chi tiết gói dịch vụ” của các tour chợ nổi Cái Răng bên trên.

5. Chợ nổi Cái Răng có gì hấp dẫn?

5.1. Nét văn hoá độc đáo của chợ Cái Răng

Chợ nổi không chỉ là một biểu tượng văn hóa của vùng sông nước miền Tây mà nay còn là địa điểm du lịch hấp đẫn cho du khách trong và ngoài nước đến để trải nghiệm và cảm nhận. Chợ nổi Cái Răng là một điển hình của di sản văn hóa phi vật thể, mang sắc thái địa phương độc đáo.

“Lệ làng” của chợ nổi Cái Răng: “Cây bẹo” và “4 treo”

Bạn đã từng nghe qua câu nói “bẹo hình bẹo dạng"? Trong phương ngữ Nam bộ, từ “bẹo” có ý gọi mời hay chưng ra, phô diễn hình dạng. Cây “bẹo” là hình thức chào hàng đặc trưng của những chợ nổi Cần Thơ. Cây bẹo là một cây sào cao 3 – 5 m được chủ ghe sử dụng để treo trưng bày hàng hoá mình bán. Do không gian ngoài trời rộng cùng tiếng sóng vỗ và tiếng ghe máy nổ lớn nên không thể dùng tiếng rao như trên đất liền, các tiểu thương thường chống cây bẹo ngay trước mũi ghe rồi treo tượng trưng mặt hàng mình bán lên để người mua có thể nhận biết từ xa.

Việc treo đồ trên cây bẹo còn có thông điệp “4 treo” mà người dân ngầm hiểu với nhau.

  • Treo gì bán nấy: Tiểu thương sẽ treo những thứ mà ghe có bán. Người mua chỉ cần nhìn vào cây bẹo là biết được trên ghe bán thứ gì. Ví dụ như chủ ghe bán xoài thì sẽ treo trái xoài lên cây bẹo.
  • Không treo mà bán: Là những ghe phục vụ đồ ăn và thức uống như hủ tiếu, bánh canh, cà phê,…
  • Treo mà không bán: Khi một chiếc ghe treo quần áo hay vật dụng sinh hoạt, thì đó chính nơi cư trú của hộ gia đình trên sông.
  • Treo cái này nhưng bán cái khác: Nếu cây bẹo treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa thì mặt hàng được bán là chính chiếc ghe.

5.2. Thưởng thức ẩm thực miền Tây trên sông

Khi đến chợ nổi Cái Răng, du khách không thể bỏ lỡ trải nghiệm ngồi chòng chành trên ghe và thưởng thức những món ăn địa phương thơm ngon, lạ vị giữa mênh mông sông nước. Trên “khu ẩm thực nổi” này, bạn có thể tìm thấy vô số các món ăn truyền thống “ngon bổ rẻ" từ bún riêu, hủ tiếu, bún thịt nướng, bánh lọt, cháo lòng, hủ tiếu lắc, lẩu mắm, lẩu bần phù sa,..các loại đồ uống tươi mát như nước dừa, cà phê đá, sữa đậu nành,.. đến cả những quán nhậu trên sông. Trong số vô vàn món ngon giữa dòng sông, hủ tiếu chợ nổi Cái Răng là một món đặc sản đã “hớp hồn” bao thực khách.

Ở đất Cần Thơ "gạo trắng nước trong", sợi hủ tiếu và nước dùng cũng mang hương vị rất khác biệt. Mùi thơm của các loại rau mùi tươi, thêm tí thịt luộc, chân giò, mọi thứ hòa quyện hoàn hảo để tạo nên một món ăn đậm chất miền Tây, vừa thanh nhẹ mà đậm đà. Ngay cả đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay cũng đã hết lời khen ngợi rằng hủ tiếu ở chợ Cái Răng là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà ông từng được thử qua trong chuyến khám phá ẩm thực Việt Nam của mình.

5.3. Thả ga ăn trái cây miệt vườn

Khu vực miền Tây Nam Bộ được thiên nhiên ưu ái cho đất đai trù phú, màu mỡ, thích hợp cho việc trồng trọt. Chợ nổi Cái Răng cũng là một trong những chợ nông sản lớn nhất khu vực. Thế nên không có ngạc nhiên khi các loại trái cây và rau củ ở đây luôn cực kỳ chất lượng. Bạn có thể nhờ thương lái sơ chế tại chỗ và thưởng thức trái cây ngay trên thuyền.

Ngoài ra, du khách còn có thể ghé thăm các vườn trái cây Cần Thơ để thưởng thức các loại trái cây đặc sản của miền Tây ngon ngọt, mọng nước như măng cụt, cam, sầu riêng, mận, cóc, vú sữa, ổi, chôm chôm, mít,...

5.4. Tham quan làng nghề thủ công

Những làng nghề thủ công như lò kẹo dừa hay lò hủ tiếu là những điểm dừng thú vị trong hành trình khám phá miền đất Tây Đô.

  • Tham quan lò hủ tiếu ở Cần Thơ là một trải nghiệm khó quên cho những người yêu thích ẩm thực và muốn hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất món hủ tiếu đặc sản của vùng này. Lò hủ tiếu mở ra toàn bộ quy trình sản xuất hủ tiếu từ chuẩn bị nguyên liệu, cắt thành sợi hủ tiếu, và cách nấu nước dùng đặc biệt của hủ tiếu miền Tây. Sau đó, bạn có thể thưởng thức một tô hủ tiếu tươi ngon hay “Pizza hủ tiếu” độc lạ ngay tại lò.

  • Tại lò kẹo dừa, du khách sẽ được quan sát quy trình sản xuất kẹo dừa thủ công và tham gia vào các bước làm kẹo dừa đơn giản như khuấy hỗn hợp làm kẹo và gói kẹo. Đừng quên mua những mẻ kẹo tươi ngon mang về làm quà nghen!

5.5. Nghe đờn ca tài tử trên chợ nổi Cái Răng

Đờn ca tài tử Nam Bộ là dòng nhạc dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đờn ca tài tử mang trong mình tiếng lòng và cái tình của người con đất phương Nam, phản ánh tính nghệ thuật và cuộc sống đầy màu sắc ở vùng sông nước Cửu Long.

Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ là địa điểm đặc biệt để thưởng thức đờn ca tài tử. Vào mỗi cuối tuần, con thuyền chở các nhạc công và nghệ nhân sẽ đi dọc trên sông để biểu diễn phục vụ thương hồ cũng như du khách. Chương trình này còn góp phần làm cho không khí khu chợ nổi thêm sinh động. Nhâm nhi tách cà phê hay ly dừa xiêm ngon ngọt, và đắm chìm vào không gian âm nhạc ngoài trời cùng những giai điệu ca cổ ngọt như “mía lùi" của người con gái Tây Đô là những trải nghiệm khó quên cho chuyến du lịch chợ nổi Cái Răng của bạn!

6. Những lưu ý khi đi chợ nổi Cái Răng

  • Hỏi giá trước khi mua đồ ăn, thức uống và thương lượng giá cả khi mua trái cây.
  • Trang phục thoải mái và thoáng mát sẽ giúp bạn dễ dàng tham gia các hoạt động trên sông mà không bị vướng víu hoặc thấm nước. Tránh trang phục quá dài hoặc có nhiều phụ kiện, vì chúng có thể gây cản trở trong quá trình di chuyển trên ghe.
  • Tránh mang dép kẹp không quai để phòng trường hợp trơn trợt hoặc tuột dép.
  • Chuẩn bị thêm các vật dụng như mũ nón, kính râm, kem chống nắng để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời.

Đánh giá về tour chợ nổi Cái Răng Cần Thơ

Câu hỏi thường gặp về chợ nổi Cái Răng

Du lịch Cần Thơ mùa nào đẹp nhất?

Tham quan chợ nổi Cái Răng cần chuẩn bị những gì?

Tôi có cần in phiếu xác nhận thanh toán để tham gia tour chợ nổi Cái Răng không?

Trong tour chợ nổi Cái Răng 1 ngày có hướng dẫn viên riêng không?

Huỷ tour chợ nổi Cái Răng có mất phí không?

Gợi ý du lịch Cần Thơ - Đồng bằng sông Cửu Long